Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Chiến_dịch_tấn_công_Proskurov–Chernovtsy

Kết quả

Sau chiến dịch Proskurov–Chernovtsy, quân đội Liên Xô đã tiến sâu 80-350 cây số, giải phóng một vùng lãnh thổ rộng lớn ở hữu ngạn sông Dniepr và tiếp cận đến dãy núi Carpath, cắt đứt đường liên lạc giữa các tuyến quân Đức và xé cụm Tập đoàn quân Nam thành hai nửa. Đồng thời, Hồng quân cũng giáng cho các Tập đoàn quân thiết giáp số 1 và số 4 của Đức những thiệt hại nặng nề, 21 sư đoàn Đức mất hơn 50% quân số và thiết bị. Các sư đoàn còn lại đều thiệt hại lớn về người và vũ khí. Theo các số liệu của Sovinform Liên Xô (nay là Thông tấn xã RIA Novosti), quân Đức bị loại khỏi vòng chiến 183.310 người, trong đó có 24.950 người bị bắt làm tù binh.[2] Theo tổng kết của tướng K. S. Moskalenko, tập đoàn quân của ông đã diệt và bắt 32.000 sĩ quan, binh lính Đức, tịch thu trên chiến trường 272 xe tăng, 2.177 khẩu pháo, 1.365 súng cối, 31.468 ô tô các loại và 61 máy bay.[34] Theo tướng D. D. Lelyushenko tổng kết, chỉ tính khu vực tác chiến của Tập đoàn quân xe tăng 4 (Liên Xô) đã có 460 xe tăng và xe bọc thép Đức bị phá hủy (trong đó có 72 xe tăng Tiger I), 386 pháo và súng cối bị tịch thu. Quân đội Liên Xô còn phá hủy và tịch thu 9.500 ô tô, 250 mô tô, 60 máy kéo, hơn 60 kho nhiên liệu, đạn dược và thực phẩm; 152 máy bay Đức bị bắn rơi, 60 chiếc khác bị tịch thu; hơn 20.000 quân Đức chết trận, 14.000 người khác bị bắt làm tù binh.[23] Trong số các sư đoàn Đức bị tổn thất, Sư đoàn cơ giới 20 và Sư đoàn bộ binh 371 bị tiêu diệt và tan rã hoàn toàn. Tướng Hermann Niehoff, chỉ huy Sư đoàn bộ binh 371 bị tử trận ngày 15 tháng 3.[1]

Theo các báo cáo còn lưu trữ được của Bộ tham mưu các tập đoàn quân xe tăng 1 và 4 Đức (Pz AOK 1 và Pz AOK 4), tổng số thiệt hại của cả hai tập đoàn quân từ tháng 3 đến trung tuần tháng 4 năm 1944 gồm 14.329 người chết và mất tích, 31.319 người bị thương. Trong đó, 8.702 người chết và mất tích, 18.032 người bị thương thuộc Tập đoàn quân xe tăng 1; 5.627 người chết và mất tích, 13.297 người bị thương thuộc Tập đoàn quân xe tăng 4. Đáng chú ý là các số liệu thương vong của Tập đoàn quân xe tăng 1 từ ngày 10 tháng 3 đến ngày 10 tháng 4 năm 1944 đều do Bộ Tổng tham mưu quân đội Đức Quốc xã (OKW) tạm tính. Riêng Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) không có báo cáo thương vong từ tháng 3 đến tháng 4 năm 1944.[35]

Quân đội Liên Xô cũng chịu những tổn thất không nhỏ. Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 chỉ còn lại hơn 50 xe tăng và phải rút khỏi cuộc chiến, đưa về lực lượng dự bị để củng cố lại. Tập đoàn quân xe tăng 4 cũng suy yếu nặng, chỉ còn lại hơn 90 xe tăng, không thể hoàn thành được nhiệm vụ chủ công trong việc chia cắt và tiêu diệt cụm quân Đức bị vây.[29] Quân đội Liên Xô cũng không thể ngăn chặn gần 40.000 quân Đức thoát khỏi vòng vây. Một Stalingrad mới đã không được lặp lại.[34]

Quân đội Liên Xô đã tiến sâu từ 80 đến 350 km về phía Tây, giải phóng một phần lãnh thổ Ukraina rộng gần 42 nghìn km vuông, với ba trung tâm quan trọng của khu vực là Novo Ukraina - Vinnitsa, Kamenetz-Podolsk, Chernovtsy và 57 thị xã, thị trấn khác.[36]

Đánh giá

Quân đội Liên Xô

Điểm mạnh

Thành công lớn nhất của Bộ tư lệnh Phương diện quân Ukraina 1 là việc họ chọn hướng tấn công chính tương đối bất ngờ và thuận lợi cho các cuộc đột kích bằng xe tăng nhưng lại phù hợp với một yếu tố ảnh hưởng lớn đến tác chiến, đó là địa hình. Nếu tấn công theo hướng cũ từ Đông sang Tây như các chiến dịch trước đó, tốc độ tấn công bị giảm đi rất nhiều không chỉ do đối phương phòng ngự cứng rắn mà còn do sự ngăn cách của chướng ngại sông nước. Bất kỳ bên nào trong chiến tranh thông thường cũng dựa vào chướng ngại sông nước để tăng hiệu quả phòng ngự. Kinh nghiệm các chiến dịch vượt sông Dniepr năm 1943 và các chiến dịch tấn công vượt sông khác cho thấy các cuộc tấn công vượt sông thường gây ra những tổn thất lớn về người và vũ khí, trang bị; việc chuẩn bị vượt sông cho xe tăng, cơ giới và pháo binh hạng nặng đòi hỏi thời gian và phương tiện đặc chủng, tốc độ tấn công bị giảm xuống rất nhiều. Vì vậy, tấn công theo các "cửa ngõ tự nhiên" dọc các Thung lũng sông ngòi tạo ra lợi thế cho các phương tiện cơ giới.[37]

Trong chiến dịch Proskurov–Chernovtsy, Bộ tư lệnh Phương diện quân Ukraina 1 đã chọn hướng đột kích chính từ Bắc xuống Nam, dọc theo các con sông Zalozh, Khoryn, Zbruch và năm con sông nhỏ khác chảy dọc từ cao nguyên Khmelnik đổ vào sông Dniestr theo hướng Bắc - Nam. Hướng tấn công dọc theo Thung lũng các con sông kể trên của ba tập đoàn quân xe tăng 1, 4 và cận vệ 3 (Liên Xô) trong chiến dịch này đã gần như loại bỏ được chướng ngại sông nước, một thứ rào cản hữu hiệu đối với xe tăng, cơ giới. Các đòn tấn công này cũng loại bỏ được những hàng rào phòng ngự mà quân Đức thiết lập dọc theo các con sông. Các quân đoàn xe tăng Liên Xô có thể nhanh chóng tiếp cận hậu tuyến của Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) phá hủy các căn cứ hậu cần, làm rối loạn đội hình và kế hoạch tác chiến của đối phương, giành thế chủ động ngay trong giai đoạn đột phá đầu tiên.[38]

Trong chiến dịch này, Quân đội Liên Xô đã tập trung cả ba Tập đoàn quân xe tăng và hai Tập đoàn quân bộ binh vào cùng một hướng tấn công thuận lợi nhất, đột phá trên một địa đoạn hẹp và sau đó tỏa ra tấn công theo hình rẻ quạt. Các tập đoàn quân bộ binh đã yểm hộ tương đối tốt các bên sườn cho các Tập đoàn quân xe tăng đột kích sâu trong giai đoạn đầu của chiến dịch. Sức đột phá của đội quân xe tăng lên đến hơn 1.000 chiếc đã tạo ra những "lỗ thủng" lớn không thể "vá" lại trên phòng tuyến của Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức). Trong giai đoạn đầu và giai đoạn 2 của chiến dịch, chỉ một đòn đột kích sâu của các Tập đoàn quân xe tăng 1 và 4 (Liên Xô) đã hoàn toàn bỏ lại sau lưng những sư đoàn xe tăng Đức đang phòng thủ trên tuyến đầu, buộc các sư đoàn này phải xoay chính diện về phía Nam và bị các Tập đoàn quân bộ binh Liên Xô đột kích từ sau lưng. Đòn đột kích đó cũng tạo ra tuyến chia cắt sâu và rộng giữa hai Tập đoàn quân xe tăng lớn của Đức trên cánh Bắc Cụm tập đoàn quân Nam, đẩy hai tập đoàn quân này vào thế bị động đối phó trên nhiều hướng cùng một lúc. Do đó, quân Đức bị phân tán lực lượng, không còn đủ sức tập trung binh lực để mở các trận phản kích lớn, giành lại các vị trí đã mất.[39]

Việc giữ bí mật hướng tấn công chính cũng là một trong các yếu tố quan trọng tạo nên thành công của quân đội Liên Xô trong giai đoạn thực hành chiến thuật đột phá và bao vây. Tập đoàn quân xe tăng 1 vốn đang hoạt động ở Pogrebishensky, phía trước Vinitsa được bí mật điều động đến Shepetovka là bất ngờ thứ nhất đối với Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức). Điều bất ngờ thứ hai là Tập đoàn quân này được sử dụng làm thê đội 2 để phát triển đột kích sâu ở giai đoạn 2 của chiến dịch đã tạo hiệu quả rất lớn. Tướng Hans-Valentin Hube hoàn toàn không thể ngờ rằng xe tăng Liên Xô từ phía Bắc có thể đột kích sâu đến Chernovtsy. Trong khi theo tư duy quân sự thông thường, các tập đoàn quân xe tăng của Phương diện quân Ukraina 2 sẽ làm việc đó bởi Chernovtsy nằm trong chiều sâu nhiệm vụ của họ trên chính diện được phân công.

Điểm yếu

Nếu như trong Chiến dịch Stalingrad, không có đơn vị nào của quân Đức thoát vây bằng đường bộ hay ở Chiến dịch hợp vây Korsun-Shevchenkovsky chỉ có không quá 10% quân Đức thoát vây bằng đường bộ thì ở chiến dịch Proskurov–Chernovtsy, ít nhất 1/3 quân Đức trong vòng vây đã chạy thoát. Đó không chỉ là một vài đơn vị nhỏ lẻ mà có đến gần chục trung đoàn, bao gồm cả một số lượng đáng kể xe tăng, cơ giới. Đây là điều rất khó chấp nhận đối với I. V. Stalin.

Đối với Quân đội Liên Xô, chiến dịch Proskurov–Chernovtsy được giới nghiên cứu lịch sử Nga coi là thành công nhưng không thực sự toàn vẹn. Ngay từ khâu vạch kế hoạch, đã có sự không ăn khớp giữa Bộ Tổng tham mưu với Bộ tư lệnh Phương diện quân Ukraina 1 và Bộ tư lệnh Phương diện quân Ukraina 2. Trong khi đòn vu hồi sâu của ba tập đoàn quân xe tăng 1, 4, và cận vệ 3 cần có sự phối hợp ở phía Nam từ Phương diện quân Ukraina 2 nhưng trong kế hoạch Chiến dịch tấn công Uman–Botoşani, Bộ Tổng tham mưu đã không coi trọng đúng mức hướng phụ công do cánh phải của Phương diện quân Ukraina 2 thực hiện mặc dù hai chiến dịch này gần như diễn ra đồng thời. Hướng tấn công chính của Phương diện quân Ukraina 2 được Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô chỉ định gồm hai tuyến chính: từ Ladyzhin, Gayvoron, Novo-Ukrainka đến Mogilev-Podolsky-Yagorlyk ở giai đoạn 1 và tuyến sông Prut ở giai đoạn 2, không hề có nhiệm vụ nào đề cập đến các mục tiêu Kopaygorod và Khotin, những địa điểm có ảnh hưởng trực tiếp đến việc phối hợp bao vây cụm quân Đức ở Kamenets - Podolsky. Trong quá trình triển khai chiến dịch, Tập đoàn quân 40 bên cánh cực hữu của Phương diện quân đã phải san sẻ bớt hỏa lực của mình gồm 300 khẩu pháo để hỗ trợ cho Tập đoàn quân 27 đột phá sâu, trong khi Tập đoàn quân 40 có vai trò phối hợp không nhỏ đối với việc hợp vây Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) ở Kamenets - Podolsky.[30]

Không những thế, Phương diện quân Ukraina 2 còn được giao thêm nhiệm vụ sử dụng cánh trái, gồm các tập đoàn quân cận vệ 5, cận vệ 7 hỗ trợ cho Tập đoàn quân 57 (Phương diện quân Ukraina 3) thực hiện chiến dịch hợp vây Tập đoàn quân 6 (Đức) tại khu vực Bereznegovatoye-Snigirevka. Nhiệm vụ này đã "hút" các tập đoàn quân của Phương diện quân Ukraina 2 lệch dần về phía Nam trong quá trình tấn công để không làm rộng giãn cách giữa các tập đoàn quân và các quân đoàn. Kết quả là giãn cách giữa Phương diện quân Ukraina 1 và Phương diện quân Ukraina 2 trở nên quá rộng, buộc Tập đoàn quân xe tăng 1 của Phương diện quân Ukraina 1 phải tiến sâu hơn về phía Nam và kéo căng đến tận Seret trên tuyến sông Prut trong khi họ có thể dừng lại ở tuyến Chernovtsy - Kolomyia, đủ để đảm bảo mật độ tuyến bao vây bên ngoài và thu hẹp chính diện cho Tập đoàn quân cận vệ 1. Đến gần cuối giai đoạn hai của chiến dịch Uman–Botoşani, Tập đoàn quân cận vệ 7 mới được rút ra khỏi hướng Pervomaisk - Dubotsary để "chêm" vào giãn cách giữa Tập đoàn quân 40 và Tập đoàn quân 27 thì Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) đã lợi dụng tuyến bao vây mỏng yếu của Tập đoàn quân cận vệ 1 để phá vây.[40]

Sai lầm trong đánh giá tin tức tình báo của G. K. Zhukov và Bộ tư lệnh Phương diện quân Ukraina 1 về hướng phá vây của Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) đã dẫn đến việc tập trung lực lượng của các tập đoàn quân xe tăng 1 và 4 (Liên Xô) quá sâu về phía Tây Nam khu vực Kamenets - Podolsky, khiến cho tuyến bao vây cả bên trong và bên ngoài ở hướng Tây, nơi tiếp giáp gần nhất giữa Tập đoàn quân xe tăng 1 với Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) còn đang sung sức trở nên mỏng yếu. Đến khi phát hiện quân Đức phá vây về hướng này, Bộ tư lệnh Phương diện quân mới điều động Tập đoàn quân xe tăng 1 quay lại phía Bắc thì thời gian đã trôi qua mất ba ngày quý giá. Các lữ đoàn xe tăng phái đi trước của Quân đoàn xe tăng cận vệ 11 không đủ sức ngăn cản cuộc đột phá qua vòng vây của 4 sư đoàn xe tăng Đức.[41] Trong khi đó, các tập đoàn quân 18 và 38 vẫn giữ nguyên chiến thuật đánh kiềm chế như cũ, không kịp thời tung các quân đoàn chủ lực để cùng với Tập đoàn quân xe tăng 4 truy kích vào sau lưng cánh quân Đức đang rút lui.[42]

Điểm yếu cuối cùng của Quân đội Liên Xô vẫn là vấn đề hậu cần. Trên các báo cáo thì việc tập trung quân số, phương tiện, tích lũy đạn dược, nhiên liệu, thực phẩm đều bảo đảm cho giai đoạn đột phá đầu tiên và có kế hoạch cho các giai đoạn sau đó nhưng trên thực tế, việc thực hiện không được như dự kiến. Trong 15 cơ số xăng dầu cần đáp ứng cho các Tập đoàn quân xe tăng, chỉ có 7 cơ số ban đầu được đưa đến đúng kỳ hạn và địa điểm tiếp nhận, đạt chưa đầy 50%. Số còn lại đến rải rác và thường không theo kịp tốc độ tấn công của các quân đoàn xe tăng, cơ giới. Mặc dù được tiếp tế đủ đạn dược nhưng chủng loại đạn dùng cho pháo tăng không phải lúc nào cũng đáp ứng được yêu cầu của tình huống chiến đấu thực tế. Tại Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3, đã có lúc pháo tăng phải dùng chung đạn trái phá cùng cỡ (85 mm và 76 mm) của pháo tự hành, ảnh hưởng không nhỏ đến hỏa lực của xe tăng khi tấn công.[16] Các xe tăng IS-1 và IS-2 của Liên Xô có đủ cơ số đạn pháo 100 mm và 122 mm (mỗi cơ số 28 viên) nhưng số lượng còn ít, tốc độ chậm (chỉ 37 km/h), sức cơ động không cao nên khả năng đáp ứng được yêu cầu đẩy nhanh tốc độ đột phá bị hạn chế.[37]

Nhưng dù sao thì chiến thắng của Phương diện quân Ukraina 1 cũng đạt được mục tiêu chiến lược rất lớn, đó là chia cắt hai cánh Nam, Bắc của Cụm tập đoàn quân Nam (Đức). Giờ đây, khi chuyển quân từ Bắc xuống Nam và ngược lại, quân Đức buộc phải đi vòng qua dãy núi Carpath trên một địa hình đồi núi, giao thông không phát triển, đặc biệt là về đường sắt. Những tuyến mặt trận mà Quân đội Liên Xô mới chiếm lĩnh được tại Beretechko, Tarnopol, Chernovtsy, Kolomyia đã trở thành bàn đạp tấn công thuận lợi cho Chiến dịch Lvov–SandomierzChiến dịch Đông Carpath diễn ra sau đó ít lâu.

Quân đội Đức Quốc xã

Điểm mạnh

Mặc dù đã suy giảm sức mạnh khá nhiều nhưng vào dầu năm 1944, quân đội Đức Quốc xã vẫn do những viên tướng có nhiều kinh nghiệm chỉ huy. Trong đó, phải kể đến Thống chế Erich von Manstein được coi như người cứu vãn quân đội Đức Quốc xã kể từ sau trận thảm bại ở Stalingrad. Quân đội Đức vốn có kỷ luật cao đã tổ chức phòng ngự rất cứng rắn, buộc đối phương của họ phải tổ chức những đòn đột phá tổng hợp với quy mô lớn của cả bộ binh, xe tăng, pháo binh và không quân mới có thể vượt qua được. Điều không may cho họ là người Nga vốn có tiềm lực và kinh nghiệm sử dụng pháo binh thành thạo ở quy mô lớn trong khi hỏa lực pháo binh của quân Đức được chia sẻ cho cả xe tăng và pháo binh. Chiến thuật phòng thủ bằng cơ động xe tăng của Erich von Manstein vẫn phát huy hiệu quả trên chiến trường Tây Ukraina và cả sau khi ông ta bị Hitler cách chức. Chiến thuật đó đã gây không ít khó khăn cho bộ binh và xe tăng Liên Xô nếu không dùng đến chiến thuật tổng hợp của pháo binh, bao gồm cả pháo tầm xa, lựu pháo, pháo chống tăng, pháo tự hành và hỏa tiến Katyusha với mật độ cao.

Xét về hình thức logic thông thường, việc bố trí phòng ngự của Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) chủ yếu hướng về phía Tây và dựa vào các tuyến sông là hợp lý. Việc bố trí các sư đoàn xe tăng xen kẽ với các sư đoàn bộ binh để hỗ trợ nhau trong phòng ngự cũng đem lại hiệu quả giống như điều mà quân đội Đức Quốc xã đã làm trong Chiến dịch tấn công Zhitomir–Berdichev. Các cụm chốt phòng ngự của quân Đức đều được bố trí ở các đầu mối giao thông, các bến vượt sông quan trọng có thể làm giảm tối đa tốc độ tấn công của đối phương. Điều này thể hiện rõ hiệu quả ở phía Đông khu vực Proskurov, Khmelnik, Vinitsa, nơi diễn ra các đòn tấn công vỗ mặt của ba tập đoàn quân Liên Xô.

Điểm yếu

Cho dù các cựu sĩ quan chỉ huy và tham mưu Đức Quốc xã sau này có tự an ủi rằng mình đã có một cuộc thoát vây tạm coi là thành công thì hậu quả tổn thất cả về thế và lực của Tập đoàn quân xe tăng một trong vòng vây cũng Tập đoàn quân xe tăng 4 ứng cứu cho quân Đức phá vây cũng không hề nhỏ. Qua đó, thế trận và binh lực của Cụm Tập đoàn quân Nam (Đức) cũng bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng bởi các tổn thất đó.

Nguyên nhân thất bại đầu tiên của Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) chính là ước lượng tình báo sai lầm về hướng tấn công chính của quân đội Liên Xô. Ngay cả khi Tập đoàn quân 13 và 60 (Liên Xô) bằng Chiến dịch tấn công Rovno–Lutsk đã tạo ra một bàn đạp nhô ra về phía Bắc Tập đoàn quân xe tăng 1 thì các tướng lĩnh và sĩ quan tham mưu của Bộ tư lệnh Cụm tập đoàn quân Nam cũng như Tập đoàn quân xe tăng 4 đều cho rằng, người Nga sẽ giáng đòn tiếp theo vào Kovel. Lính biệt kích quân báo Đức cũng phát hiện ra xe tăng Liên Xô có mặt tại Shepetovka từ đầu tháng 3 nhưng không xác định được quy mô, số lượng và kế hoạch hành động của quân đội Liên Xô. Do phán đoán sai lầm về hướng tấn công chính của quân đội Liên Xô nên trên khu vực Proskurov - Kamenets Podolsky, các sư đoàn Đức vẫn "ngoảnh mặt" về hướng Đông. Khi chủ lực Phương diên quân Ukraina 1 tấn công từ phía Bắc, các sư đoàn Đức phải "xoay bản lề" để chống đỡ nhưng địa hình khu vực gồm tám con sông nhỏ chảy theo hướng Bắc - Nam đã làm cho các sư đoàn Đức bị chia cắt về địa hình trước khi bị chia cắt về thế trận quân sự.

Điểm yếu tiếp theo thuộc về chính chiến thuật phòng ngự cơ động bằng xe tăng, một "phát minh" của cả thống chế Von Manstein và tướng Paul Ludwig Ewald von Kleist. Nếu trong điều kiện mùa hè ở thảo nguyên Kuban cũng như thảo nguyên Đông Ukraina khô ráo thì chiến thuật này rất đắc dụng. Nhưng tại miền Tây Ukraina với địa hình phức tạp hơn, bị chia cắt bởi nhiều con sông nhỏ và các Thung lũng sâu thì chiến thuật này đã làm cho các sư đoàn xe tăng Đức rơi vào những "cái bẫy" do chính họ tạo ra. Dù đã tính toán đến việc sử dụng mạng lưới đường sắt khá phát triển trong miền Tây Ukraina nhưng trong các khu vực mặt trận hẹp bị nhiều sông ngòi chia cắt vào mùa xuân tan băng, các xe tăng Đức, đặc biệt là các xe tăng hạng nặng Tiger I cũng như xe tăng hạng trung cải tiến Panther đã mắc kẹt trong bùm lầy. Tốc độ không cao và sức cơ động giảm đã làm những cỗ xe tăng hiện đại không hơn gì những lô cốt cố định bằng thép.

Bắt đầu từ năm 1944, các chỉ huy quân đội Đức Quốc xã dù có nhiều kinh nghiệm tác chiến đã trở nên cứng nhắc và chạm chạp hơn trong hành động, khác hẳn với tính linh hoạt sáng tạo của chính họ hồi 1941-1942. Điển hình là Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức). Khi cho Tập đoàn quân xe tăng 1 "mượn" một số sư đoàn xe tăng để sử dụng trong cuộc giải vây cho Cụm tác chiến B, Tập đoàn quân này gần như không có trách nhiệm chỉ huy được quân của mình, trong khi tướng Hans-Valentin Hube không thể quán xuyến nổi một đội quân thiết giáp đông không kém một Cụm tập đoàn quân. Hậu quả đã diễn ra khi quân đội Liên Xô chia cắt hai tập đoàn quân xe tăng Đức bằng đòn đột kích cực mạnh của cả ba tập đoàn quân xe tăng, Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) đã phản ứng không đủ quyết liệt để chí ít cũng làm chậm lại đòn đột kích đó. Để diễn ra sự phối hợp tác chiến lỏng lẻo giữa hai tập đoàn quân xe tăng mạnh nhất nhì mặt trận phía Đông chính là lỗi của người chỉ huy, của thống chế Erich von Manstein, cho dù Hitler không đề cập đến điều này khi cách chức ông ta.

Cuối cùng, chính Hitler phải là người chịu trách nhiệm cao nhất về thất bại của Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức). Mơ tưởng đến việc biến các thành phố, thị xã, thị trấn miền Tây Ukraina thành các pháo đài, Hitler đã bỏ ngoài tai lời khuyên bảo của tổng tham mưu trưởng quân đội Đức khi đó là tướng Kurt Zeitzler rằng cần rút một số vị trí về phía Tây để nắn thẳng tuyến mặt trận, tránh các "chỗ lồi" nguy hiểm ở hai bên sườn và thu hẹp chính diện để tăng mật độ binh lực, hỏa lực và trang bị trong tác chiến phòng thủ có chiều sâu. Đối với Hitler, tư duy chính trị đã thắng tư duy quân sự và hậu quả là có thêm hàng hàng chục vạn lính Đức chết trận, mặt trận của quân Đức vẫn bị đẩy lùi về phía Tây và giới tướng lĩnh quân sự Đức đã không còn coi trọng ông ta như trước đây nữa.

Ảnh hưởng

Đài kỷ niệm các trận đánh của Quân đội Liên Xô trong chiến dịch Proskurov–Chernovtsy tại Proskurov (nay là Khmelnytskyi)

Thất bại nặng nề của Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) tại Chiến dịch Proskurov–Chernovtsy đã đặt dấu chấm hết cho Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) sau 33 tháng tung hoành trên khắp các vùng đất Ukraina, thảo nguyên Kuban, bán đảo Krym, thảo nguyên Volga - Don. Ngày 4 tháng 4 năm 1944, Tổng hành dinh quân đội Đức Quốc xã tại mặt trận phía Đông truyền chỉ thị của Führer chia Cụm tập đoàn quân Nam làm đôi. Từ Krasnoilsk trên sườn Đông dãy Carpath (Tây Nam Chernovtsy 45 km) đến phía Bắc Kovel 30 km là chính diện phòng ngự của Cụm tập đoàn quân Bắc Ukraina. Từ thị trấn Krasnoilsk xuống phía Nam, đến Biển Đen là chính diện phòng ngự của Cụm tập đoàn quân Nam Ukraina, gồm các Tập đoàn quân 6, 8 (Đức) và các tập đoàn quân 3, 4 (Romania) và kiêm quản cả Tập đoàn quân 17 đang bị vây ở Krym. Thượng tướng Walter Model được phong Thống chế từ ngày 1 tháng 3, nguyên tư lệnh Cụm tập đoàn quân Bắc được Hitler chỉ định làm Tư lệnh Cụm tập đoàn quân Bắc Ukraina. Thượng tướng Ferdinand Schörner được giao tạm quyền chỉ huy Cụm tập đoàn quân Nam Ukraina. Đến ngày 25 tháng 7, Thượng tướng Johannes Frießner được chỉ định làm Tư lệnh Cụm tập đoàn quân này. Tuy được tách làm hai nhưng sự hiệp đồng giữa hai cụm tập đoàn quân này vẫn rất khó khăn vì bị dãy núi Carpath ngăn cách.[43]

Mặc dù một số lượng lớn quân Đức đã thoát khỏi vòng vây nhưng thất bại của Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) làm cho Hitler "điên tiết" và ông ta bắt đầu đi tìm những "vật tế thần". Giới quân sự Đức rất ngạc nhiên khi hai thống chế hàng đầu của quân đội Đức Quốc xã phải chịu cơn thịnh nộ của Hitler là Erich von MansteinPaul Ludwig Ewald von Kleist. Trong buổi lễ huyền chức của hai vị thống chế này, sau khi trao tặng họ các Huân chương Chữ thập Hiệp sĩ hạng nhất và thanh kiếm danh dự, Hitler đã nói với Manstein:

Thời kỳ của những chiến dịch quy mô lớn trên mặt trận phía Đông rất phù hợp với tài năng của ông đã qua rồi. Ở đây và trong lúc này, điều quan trọng nhất là chỉ còn cách kiên quyết giữ lấy các trận địa, duy trì trận tuyến. Mở đầu một phương pháp mới để chỉ huy quân đội phải gắn liền với những tên tuổi mới và những thủ đoạn tác chiến mới".
— Adof Hitler, [44]

Do hao hụt quân số quá lớn, nguồn động viên từ nước Đức và các nước Trung Âu không đủ, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức Quốc xã đã phải bổ sung trang bị cho quân đội các nước chư hầu Đông Âu (Hungary, Rumania, Slovakia) những vũ khí, kỹ thuật hiện đại hơn để sử dụng các đơn vị này chiến đấu dưới sự chỉ huy của các tư lệnh Đức Quốc xã. Các tập đoàn quân Romania 3, 4; Tập đoàn quân Hungary 1; Quân đoàn Slovakia đều có các tướng lĩnh quân sự Đức tham gia chỉ huy và các sĩ quan cao cấp SS giám sát để đảm bảo sự trung thành của họ đối với nước Đức Quốc xã.

Kết quả chiến dịch đã đem lại cho quân đội Liên Xô một thế trận thuận lợi hơn rất nhiều so với khi họ phải vượt sông Dniepr. Mỗi cụm tập đoàn quân Đức ở biên giới Ukraina giờ đây phải đối phó với 2 phương diện quân Liên Xô có ưu thế về người và vũ khí trang bị. Trong khi các cụm tập đoàn quân Đức bị chia cắt bởi đầm lầy Polesia ở phía Bắc và dãy Carpath ở giữa mặt trận thì Quân đội Liên Xô lại có thể tự do cơ động lực lượng của họ trên các tuyến đường sắt ở khắp Ukraina để chuẩn bị cho chiến cục mùa hè. Quân đội Liên Xô bắt đầu các hành động quân sự trên lãnh thổ nước ngoài và họ được các lực lượng kháng chiến chống Đức Quốc xã ủng hộ, trong đó có nhiều tổ chức cộng sản, những người cùng chí hướng với họ. Nhiều tổ chức dân tộc chủ nghĩa khác cũng hợp tác với những người cộng sản ở Rumania, Bulgaria và Slovakia. Những hoạt động vũ trang và các trận đánh theo chiến thuật du kích của họ dù không có hiệu quả bằng hoạt động của du kích Liên Xô những cũng đủ làm cho hậu phương trực tiếp của quân Đức luôn trong tình trạng bất ổn.

Nguyên soái G. K. Zhukov, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch chỉ được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng nhất (lần thứ tư). I. V. Stalin đã hạ một mức khen thưởng đối với ông vì chiến dịch đã không thành công trọn vẹn. Khi về đến Moskva để dự hội nghị bàn kế hoạch hoạt động quân sự mùa hè 1944 tại Byelorussia, G. K. Zhukov đã không đến nhận huân chương mà đi thẳng đến phòng làm việc của Stalin. Trước khi khai mạc hội nghị, I. V. Stalin đã phải nhắc ông đến phòng làm việc của N. M. Shvernik để nhận tấm huân chương này.

Sau chiến dịch này, 31 đơn vị chiến đấu xuất sắc của quân đội Liên Xô đã được trao tặng các tên gọi danh dự tương ứng với các địa danh trong chiến dịch. Tập đoàn quân xe tăng 1 được phong danh hiệu "Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 1" ngày 25 tháng 4 năm 1944. Tướng M. E. Katukov, tư lệnh tập đoàn quân và các sĩ quan cao cấp chỉ huy các quân đoàn xe tăng, cơ giới thuộc tập đoàn quân tặng thưởng Huân chương Suvorov hạng nhất. Quân đoàn cơ giới cận vệ 10 (Tập đoàn quân xe tăng 4) được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ.[22]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_tấn_công_Proskurov–Chernovtsy http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944SW... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec44.html http://www.history.army.mil/books/wwii/20234/20-23... http://9may.ru/17.04.1944/inform/m4453 http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/h/ergos/15.html http://militera.lib.ru/h/ergos/19.html http://militera.lib.ru/h/fuller/08.html http://militera.lib.ru/h/getman_al/06.html http://militera.lib.ru/h/grylev_an/03.html